trom tien va hoc truong ke toan1

Khi nhìn nước mắt của cha, lòng tôi đau như xé. Người cha vốn nghiêm khắc ấy chắc đau lòng lắm mới rơi nước mắt trước mặt con như thế. Đó là tất cả của việc tôi đã trộm tiền và học trường kế toán

Vụ Xuân bắt đầu, những cơn mưa mùa xuân đã đến và công việc cũng bắt đầu nhàn. Tôi đọc mục quảng cáo trên tờ báo Đông Á và thấy thông báo tuyển sinh của trường kế toán ở Bình Nhưỡng. Khóa học chỉ kéo dài 6 tháng, khi tốt nghiệp thì có thể làm nhân viên kế toán hoặc thâu ngân. Với vốn tiếng Nhật ít ỏi học được ở trường tiểu học, tôi giấu mọi người trong nhà, lén viết thư gửi cho trường kế toán yêu cầu gửi bản hướng dẫn đăng ký học. Khoảng một tháng sau thì bản hướng dẫn từ trường kế toán Bình Nhưỡng đến.

 Sau đó tôi lại thấy báo Đông Á đăng quảng cáo của trường kế toán Tuksu ở Seoul với nội dung tương tự. Trong đó còn ghi những lời chiêu dụ hấp dẫn rằng chỉ cần tốt nghiệp khóa học 6 tháng này, người có trình độ tiểu học cũng có thể xin việc ở bất cứ chỗ nào. Chẳng cần nghĩ ngợi gì thêm, tôi quyết định đến Seoul học kế toán. Tôi quyết tâm rằng dù có việc gì xảy ra thì cũng phải học khóa ngắn hạn này cho bằng được. Nhưng muốn học thì phải có nhiều tiền.
Một thời gian sau, nhờ trời phù hộ, nhà tôi bán con bò nuôi bấy lâu nay được gần 40 won, để tại hòm gỗ trong buồng. Ở nông thôn, người ta nuôi gà lấy trứng bán và dùng tiền đó đóng học phí cho con cái và chi phí cho gia đình, nuôi lợn để sau này lo cho việc cưới xin, còn nuôi bò để bán rồi gom tiền mua ruộng.
Trốn nhà vài lần, tôi đâm ra dạn dày, bây giờ điều mà tôi nhắm đến là món tiền bán bò và một cơ hội. Trong lúc ấy, chú ruột tôi vừa bán con bê được 30 won, đem tiền gửi cha tôi. Như vậy tổng số tiền trong hòm là 70 won. “Cơ hội không đến hai lần, nếu bỏ lỡ cơ hội này thì sẽ uổng phí cả cuộc đời. Sau khi tốt nghiệp, kiếm việc làm rồi gom tiền trả cả vốn lẫn lời cho cha và chú cũng được”, tôi tự nhủ. Mỗi ngày bán củi có bớt nhiều cũng chỉ được 3, 4 chon. Giờ đây dù ăn trộm cây kim hay trộm bò làm lộ phí cũng không khác gì nhau.

 Mấy ngày sau, khi cả nhà đang ngủ, tôi trộm cả 70 won chạy ra ga Songchon và đón tàu đêm đi Seoul. Đây là lần thứ ba tôi bỏ nhà ra đi và là lần thứ hai trong năm đó. Hành lý tôi mang theo vẫn chỉ là chiếc quần vải thô, cái áo bông và món tiền 70 won. Nghĩ rằng tờ giấy hướng dẫn của trường kế toán Bình Nhưỡng không cần thiết nên tôi đã để nó ở nhà, nhưng đó chính là sai lầm của tôi.
Sáng sớm hôm sau, tàu đến ga Chongrangri. Seoul thật là phồn hoa. Tôi ăn thật nhanh một bát cơm canh đậu trước sân ga rồi tìm tới trường kế toán gần cung Tuksu. Tôi đóng tiền học phí và đăng ký ở lại ký túc xa trong trường. Lần đầu tiên trong đời được lên Seoul học thật là mừng, nhưng điều khiến tôi sung sướng hơn cả là niềm hy vọng 6 tháng sau tôi có thể trở thành một người làm công ăn lương đường hoàng.
Ngày trước tôi học rất chăm chỉ, về đến ký túc xá là tôi hư bị đóng đinh, đọc sách say mê. Thưở ấy, tôi viết về danh nhân như Napoleon, Lincoln(1), Tam quốc chí… nhưng vì không có tiền mua nên cứ lấy mấy quyển sách cũ ra đọc đi đọc lại. Tôi rất khâm phục Napoleon, người cũng sinh ra trong một gia đình nghèo như tôi, nhờ tinh thần bất khuất dũng cảm cuối cùng trở thành Hoàng đế nước Pháp. Đọc về ông, tôi như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin mãnh liệt. Tôi đọc đi đọc lại quyển sách chẳng biết bao nhiêu lần. Tôi cũng thấy cuộc đời mình giống như của Lincoln. Ông ta cũng xuất thân từ nông dân, sau đó ra thành phố lao động như tôi, và cũng luôn đói sách chẳng khác gì tôi.
Lên Seoul, mua được một hai quyển sách mình thích là tôi vui không tả xiết. Tôi cũng có đọc tiểu thuyết, nhưng chủ yếu vẫn là sách danh nhân. Khi đọc những quyển sách này, tôi thường viết lại đoạn văn nào mình tâm đắc và đọc đi đọc lại nhiều lần. Ngoài việc học kế toán, đọc sách cũng như là một việc học của tôi vậy.
Hai tháng trôi qua, khi tôi đã quen với cuộc sống của một người đi học, việc học hành cũng đã đi vào khuôn khổ thì bất ngờ một ngày nọ cha tôi xuất hiện. Nỗi tuyệt vọng trong tôi lúc ấy dâng đầy hơn bao giờ. Thế là hết. Thật tình lúc đó tôi oán giận và mệt mỏi vì cha tôi lắm, sao ông cứ bám lấy tôi dai dẳng như thế.
“Làm sao cha lại đến đây?”.
Thì ra cha tôi đã thấy tờ giấy hướng dẫn của trường kế toán Bình Nhưỡng vất ở nhà nên đến đó tìm tôi nhưng không thấy. Nghe người ta cho biết có trường này, thế là ông đến.

trom tien va hoc truong ke toan1

 

Tôi đâu ngờ việc vất tờ giấy không suy nghĩ lại dẫn đến hậu quả như thế này. Tôi cũng ngạc nhiên trước sự quyết tâm của cha, việc ông đi từ Bình Nhưỡng xuống tận Seoul làm tôi thấy mình có tội biết bao. Tôi chuẩn bị tinh thần sẽ bị mắng về việc ăn trộm số tiền lớn như vậy, tuy nhiên không biết cha có đọc được suy nghĩ trong đầu tôi hay không mà chẳng trách móc một lời nào, ông chỉ hỏi tôi còn lại bao nhiêu tiền. Sau đó cha lặp lại cái điệp khúc rằng tôi là cháu đích tôn, nhấn mạnh cái trách nhiệm con trai trưởng nặng nề của tôi và còn nói thêm là tôi khác với những đứa trẻ khác.
“Lần này có chết con cũng không về đâu”. Tôi nói một cách cứng rắn. Cha tôi chẳng nói gì, đứng im một hồi và bắt đầu thuyết phục: “Cha 50 tuổi rồi nhưng chưa thấy người nào từ nông thôn ra Seoul mà thành công cả. Có người thì bán đất bán đai, lên Seoul vì tửu sắc mà thành ăn mày, có người thì lên đây học nhưng rồi cũng chết nơi đất khách quê người… Con bỏ nhà lên Seoul rồi cũng bại gia vong thân như người ta cả thôi. Con hãy theo cha về nhà đi”.
Những lời cha tôi nói đều là sự thật. Hồi đó, nhiều người nhà quê bán đất đai nhà cửa lên Seoul để lập nghiệp, nhưng người thì sa ngã ở chốn phồn hoa, người thì bị lừa gạt mất hết tất cả. Seoul là vậy. Tuy nhiên, tôi thì khác. Nếu cứ tiếp tục học chẳng phải mấy tháng nữa tôi sẽ thành một người làm công ăn lương hay sao. Lần này mà không cương quyết thì tôi chẳng còn cơ hội nào nữa.
“Cha, mong cha hãy để con ở lại”, tôi bướng bỉnh cãi.
Hai cha con tôi ngồi xổm trước Cung Tuksu, đối đầu với nhau bằng sự im lặng đến khó chịu. Cha cứ nhìn tôi chằm chằm, không nói gì, chốc chốc lại buông những tiếng thở dài nặng nề đáng sợ.
Sau một hồi im lặng, cha tôi lên tiếng: “Được rồi, cuối cùng con vẫn không nghe lời cha phải không?”.

 

trom tien va hoc truong ke toan2
Tôi chờ cha dứt lời và lên tiếng một cách chắc chắn: “Con không về đâu. Chỉ cần bốn tháng nữa là con sẽ xin được việc. Con không về đâu”.
“Này, cứ coi như con xin được việc làm đi, kẻ làm công ăn lương thì cũng chỉ kiếm được mấy đồng, có gì là tốt chứ.”
“Nhưng cũng tốt hơn là làm ruộng”. Cha tôi lại chẳng nói gì.
Sự im lặng ngột ngạt bao trùm lấy chúng tôi, tôi ngẩng đầu lên thì thấy hai hàng nước mắt đang lăn trên gò má của cha. Lúc ấy, lòng tôi đau như xé. Người cha vốn nghiêm khắc ấy chắc phải đau lòng lắm mới rơi nước mắt trước mặt con như thế. Cảm giác tội lỗi vì bất hiếu với cha mẹ thắt cả ruột gan tôi.
Cha tôi vừa khóc, vừa nói: “Thực ra lần này cha muốn đưa con về và cưới vợ cho con. Nhà mình đã xây thêm một cái nhà mới cho In Yong ra sống riêng. Nếu chăm chỉ làm ăn thì sẽ mua được thêm ruộng, làm nhà mới rồi lại cho Sun Yong ra riêng. Cha định sẽ lo như thế cho hết sáu anh em các con. Bây giờ cha đã già rồi, con là con trưởng thì phải giúp cha chứ. Con mà bỏ mặc thì nhà ta thành bầy ăn mày hết”.
Tim tôi đau nhói. Cả nhà tôi chỉ vì sự bướng bỉnh của tôi mà thành ăn mày ư? Lập tức hình ảnh mấy đứa em nhỏ dại tay xách ống đi ăn xin hiện lên trước mắt tôi.
“Trên đời này, có cha mẹ nào không muốn con mình giàu có. Nếu con trưởng thành và đưa được cha mẹ, các em lên Seoul thì cha đâu có can ngăn gì. Nhưng con phải nhớ con là một thằng nhà quê mới học hết cấp 1. Ở Seoul người ta học hết trường cao đẳng còn thất nghiệp đầy đống ra như vậy, không có học như con thì thành công được bao nhiêu. Con có học trường kế toán thì chẳng qua cũng là một anh nhân viên văn phòng quèn chứ làm được gì hơn? Vì cái chẳng ra đâu ấy mà làm cho gia đình ta thành ăn mày cả ư?”

Không phải là cha không có lý, nhưng nếu cứ sống như cha thì làm sao mà Napoleon xuất hiện được.
Có vẻ như hiểu được sự day dứt trong lòng tôi, cha nắm lấy tay tôi rất tình cảm và lắc nhẹ: “Nếu con không phải là con trưởng thì cha để tùy con muốn làm gì thì làm. Nhưng con là trưởng tộc, sau này phải tiếp tục thờ cúng tổ tiên và dìu dắt các em. Nếu con cứ cố chấp như thế khiến các em đói khổ thì còn gì buồn hơn nữa. Cũng như bát nước đổ đi không hốt lại được, gia đình chỉ một lần sa sút là chẳng vực lên lại được đâu. Con hãy suy nghĩ cho kỹ. Cha tìm con ở Bình Nhưỡng không thấy, đến Seoul vừa đi vừa khóc một mình biết bao nhiêu lần con có biết không?”
Cha tôi khóc thật nhiều. Nỗi buồn tràn ngập trong lòng tôi, tôi nấc lên một tiếng và gục xuống khóc.
Cha tôi đã thắng.